Cái chết Hypatia

Bối cảnh

Hình vẽ từ Biên niên sử Thế giới Alexandrian, mô tả Giáo hoàng Theophilus của Alexandria, với Phúc âm trong tay, đứng trong tư thế người chiến thắng trên đỉnh Serapeum vào năm 391 sau Công nguyên [60]

Từ 382 - 412, giám mục Alexandria là Theophilus.[61] Theophilus là người phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa Tân Plato[61] và vào năm 391, ông đã phá hủy Serapeum.[62][63] Mặc dù vậy, Theophilus đã rất khoan dung đối với trường học của Hypatia và có vẻ đã xem bà như là một đồng minh của mình.[20][64][61] Theophilus đã hậu thuẫn cho một học sinh của Hypatia, Synesius, trở thành giám mục[65][20]. Theophilus cũng cho phép bản thân Hypatia có mối quan hệ gần gũi với các quận trưởng La Mã và các chính khách nổi bật khác.[61] Nhờ vào đó, Hypatia trở nên cực kỳ nổi tiếng với người dân Alexandria và có một ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình chính trị.[66]

Theophilus đột ngột qua đời vào năm 412.[61] Một cuộc đấu tranh quyền lực dữ dội đối với giáo phận đã nổ ra giữa Cyril, cháu trai của Theophilus[67] và đối thủ là Timothy.[68] Cyril đã chiến thắng và ngay lập tức bắt đầu trừng phạt những người đã ủng hộ Timothy.[68] Trường học của Hypatia cũng bị liên lụy.[69][64] Trong một bức thư viết cho Hypatia năm 413, Synesius yêu cầu bà can thiệp với tư cách hai cá nhân bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột dân sự đang diễn ra ở Alexandria.[70][71][72] Ông nhấn mạnh rằng: "Bạn luôn luôn nắm giữ sức mạnh và bạn có thể mang lại điều tốt lành bằng cách sử dụng sức mạnh đó."[70] Ông cũng nhắc nhở bà rằng bà đã dạy ông một triết gia Tân Plato phải có các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất trong đời sống chính trị và hành động vì lợi ích của đồng bào họ.[70]

Năm 414, Cyril đã đóng cửa tất cả các giáo đường ở Alexandria, tịch thu tất cả tài sản thuộc về người Do Thái và trục xuất tất cả người Do Thái ra khỏi thành phố.[68] Orestes, quận trưởng La Mã của Alexandria, cũng là bạn thân của Hypatia[20] và là một người cải đạo gần đây theo Cơ đốc giáo,[73][20][74] đã bị xúc phạm bởi hành động của Cyril và gửi tấu chương hạch tội ông tới Hoàng đế.[68] [75] [20] Xung đột leo thang và một cuộc bạo loạn nổ ra, trong đó parabalani, một nhóm giáo sĩ Kitô giáo dưới quyền của Cyril, suýt giết chết Orestes.[68] Như hình phạt, Orestes bắt Ammonius, vị tu sĩ đã khởi đầu cuộc bạo loạn, bị tra tấn công khai đến chết.[68][76][77] Mâu thuẫn của Cyril và Orestes tiếp tục gia tăng.[78] Orestes thường tìm đến Hypatia để xin những lời khuyên thông thái từ bà[79][80], bởi vì bà được cả người ngoại đạo và người Kito giáo yêu mến, và không hề tham dự vào các cuộc xung đột tôn giáo.[81]

Bất chấp danh tiếng của Hypatia, Cyril và các đồng minh đã cố gắng tìm cách làm mất uy tín và bôi nhọ bà.[82][83] Theo Socrates Scholasticus, có những tin đồn cáo buộc Hypatia đã cản trở việc Orestes hòa giải với Cyril.[80][83] Những tin đồn khác lan rộng trong dân chúng Christian Alexandria thời bấy giờ vẫn còn được lưu lại trong các tác phẩm của một giám mục Coptic Ai Cập, John thành Nikiû, ở thế kỉ 7,[37][83] trong cuốn Biên niên sử của ông cáo buộc rằng Hypatia đã tham gia vào các nghi lễ thực hành đạo satan và đã cố tình cản trở ảnh hưởng của nhà thờ đối với Orestes:[84][85][86][83]

Và vào những ngày này, ở Alexandria xuất hiện một nữ triết gia, một kẻ dị giáo tên là Hypatia, ả luôn nhiệt thành với ma thuật, chiêm tinh và nhạc cụ, và đã mê hoặc được nhiều người bằng những mưu ma chước quỷ. Và vị thống đốc của thành phố tôn sùng ả hết mực; vì ả đã dùng ma thuật để bảo hộ hắn. Và hắn ta không còn đến nhà thờ như là một thói quen... Và không chỉ thế, hắn đã giúp ả dụ dỗ thêm nhiều tín đồ, và chính hắn ta còn chứa chấp những kẻ không tin Chúa trong nhà.[84]

Minh họa của Louis Figuier trong Vies des savants Illustres , depuis l'antiquité jusqu'au dix-neuvième siècle, năm 1866, thể hiện sự tưởng tượng của tác giả về cuộc tấn công Hypatia.

Bị sát hại

Hypatia (1885) của Charles William Mitchell, được cho là mô tả một cảnh trong tiểu thuyết Hypatia năm 1853 của Charles Kingsley [87] [88]

Theo Socrates Scholasticus, trong mùa Chay Ki tô giáo, tháng ba 415, một đám đông của các Kitô hữu dưới sự lãnh đạo của một người tên là Peter, đã chặn đường xe ngựa của Hypatia trên đường bà về nhà.[89][90][91] Họ kéo bà vào một tòa nhà được gọi là Kaisarion, một ngôi đền ngoại giáo cũ ở Alexandria đã được chuyển đổi thành một nhà thờ Thiên chúa giáo.[91][89][81][91] Ở đó, đám đông đã lột trần Hypatia và giết bà bằng cách sử dụng các mảnh ostraka,[89][92][93][94] có thể được dịch là "ngói lợp" hoặc "vỏ hàu".[89] Damascius nói thêm rằng họ cũng móc mắt của bà.[95] Họ xé xác bà thành từng mảnh[89][95][94] và kéo tứ chi của bà qua thị trấn đến một nơi gọi là Cinarion, rồi thiêu chúng.[89][95][94] Theo Watts, điều này phù hợp với cách thức truyền thống mà người Alexandria mang thi thể của "những tên tội phạm xấu xa nhất" ra bên ngoài rìa thành phố để hỏa thiêu như một cách thanh tẩy cho thành phố.[95] [96] Mặc dù Socrates Scholasticus không bao giờ chỉ rõ những kẻ sát hại Hypatia, chúng thường được coi là thành viên của parabalani.[97] Christopher Haas nghi ngờ về điều này và cho rằng những kẻ giết người có nhiều khả năng là "một đám đông cư sĩ Alexandrian".[98]

Socrates Scholasticus cho rằng vụ giết người của Hypatia hoàn toàn mang động cơ chính trị[99] và không đề cập đến việc Hypatia là một người ngoại giáo có liên quan gì đến cái chết của bà.[99] Thay vào đó, ông lý giải rằng "bà ấy đã trở thành nạn nhân của sự ghen ghét chính trị mà vào thời điểm đó đã trở nên thắng thế. Vì bà ấy thường xuyên nói chuyện với Orestes, cộng đồng Kitô giáo xem bà như kẻ đã ngăn cản Orestes hòa giải với giám mục."[89][100] Socrates Scholasticus lên án một cách dứt khoát các hành động của đám đông, tuyên bố, "Chắc chắn không có gì có thể đi ngược lại tinh thần của Kitô giáo hơn là việc cho phép các vụ thảm sát, gây gổ và trao đổi kiểu đó."[89][101][96]

Hậu quả

Cái chết của Hypatia đã gây nên một làn sóng dữ dội lan khắp đế quốc.[102][37] Trong nhiều thế kỷ, địa vị của các triết gia được coi là bất khả xâm phạm, kể cả trong những tình huống bạo lực vẫn thi thoảng xảy ra ở các thành phố La Mã,[102] và việc một nữ triết gia bị sát hại tập thể được xem như một dấu hiệu cực kì "nguy hiểm và hỗn loạn" cho nền tảng xã hội.[102] Mặc dù không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Cyril có liên quan tới vụ sát hại Hypatia,[37] người ta tin rằng chính ông ta là người đứng đằng sau vụ việc.[80][37] Kể cả khi Cyril không trực tiếp ra lệnh, chiến dịch bôi nhọ của ông ta chống lại Hypatia đã kích động nó.[37] Hội đồng thành phố Alexandrian cảm thấy bất an về hành vi của Cyril [37] và gửi một sứ giả đưa tin đến Constantinople.[37] Cố vấn của Theodosius II đã mở một cuộc điều tra để xác định vai trò của Cyril trong vụ giết người.[101]

Cuộc điều tra đã dẫn đến việc các hoàng đế Honorius và Theodosius II ban hành một sắc lệnh vào mùa thu năm 416, trong đó cố gắng tước bỏ parabalani khỏi tay Cyril và đặt đội quân này dưới quyền kiểm soát của Orestes.[101][37][103][104] Sắc lệnh đã hạn chế parabalani khỏi việc tham dự "bất kỳ hoạt động công cộng nào" hoặc bước vào "nơi hội họp của một hội đồng thành phố hoặc phòng xử án."[105] Nó cũng hạn chế nghiêm ngặt việc tuyển mộ thêm bằng cách giới hạn tổng số parabalani không quá năm trăm.[104] Cyril bị cho là đã phải mua chuộc một trong những quan chức của Theodosius II để trốn tội.[101] Watts cho rằng vụ sát hại Hypatia là bước ngoặt trong cuộc chiến giành quyền lực của Cyril.[106] Hypatia đã từng là mắt xích quan trọng giúp phe đối lập của Orestes chống lại Cyril[37], cho nên sau khi bà qua đời, nó nhanh chóng tan rã.[37] Hai năm sau, Cyril đã lật ngược thành công đạo luật đặt parabalani dưới sự kiểm soát của Orestes[106] và vào đầu những năm 420, Cyril đã nắm quyền thống trị hội đồng thành phố Alexandrian.[106]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hypatia http://www.abc.net.au/radionational/programs/ockha... http://www.abc.net.au/rn/philosopherszone/stories/... http://www.analogsf.com/0811/issue_11.shtml http://www.collinsdictionary.com/dictionary/englis... http://www.cosmographica.com/cosmo20130812/alexand... http://cosmopolis.com/alexandria/hypatia-bio-john.... http://www.curledup.com/plotsave.htm http://www.earlychurchtexts.com/public/socrates_th... http://www.oxforddictionaries.com/definition/engli... http://www.qedcat.com/function/16.1short.pdf